Kỳ 2
Không ai thành công một mình
Vào thế kỷ 15, tại một làng nhỏ nọ, có một gia đình có tới 18 người con. Cha của họ phải làm việc tới 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày mà cả gia đình chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. Thế nhưng, hai người con lớn trong nhà vẫn có nhiều mơ ước. Cả hai đều muốn học vẽ vì họ có năng khiếu từ nhỏ.
Sau không biết bao nhiêu buổi nói chuyện suốt đêm trên chiếc giường đông chật anh em, hai người con lớn có một quyết định. Họ sẽ tung một đồng xu. Người thua sẽ làm thợ mỏ, dùng toàn bộ thu nhập để chu cấp cho người thắng đi học. Còn người thắng, sau 4 năm học, sẽ chu cấp tài chính cho người còn lại đi học, dù bằng cách bán tranh hay phải đi làm thợ mỏ.
Đồng xu được tung lên, Albrecht Durer thắng cuộc và được đi học. Albert thua, và đi tới vùng mỏ đầy nguy hiểm, và trong suốt 4 năm, làm lụng để nuôi người anh em của mình ăn học.
Gần như ngay lập tức, những tác phẩm của Albrecht được rất nhiều người nhắc đến, bởi chúng thậm chí còn đẹp hơn cả tác phẩm của các bậc thầy trong trường. Và cho đến khi tốt nghiệp thì Albrecht đã bán được khá nhiều tranh và dành dụm được một khoản tiền.
Khi anh trở về, trong bữa ăn sum họp, Albrecht đứng dậy để cảm ơn người anh trai đã hy sinh 4 năm giúp mình hoàn thành được ước mơ. Và Albrecht nói:
- Anh Albert, bây giờ đã đến lượt anh. Anh hãy tới Nuremberg để theo đuổi ước mơ của mình. Em sẽ lo toàn bộ chi phí và chăm sóc gia đình.
Albert mỉm cười, rồi bật khóc:
- Không, anh không thể tới Nuremberg được. Đã quá muộn rồi. Bây giờ, sau 4 năm làm việc trong hầm mỏ, không còn ngón tay nào của anh là lành lặn. Thậm chí bây giờ anh còn bị thấp khớp ở tay phải nặng tới mức không thể nâng nổi một chiếc ly, nói gì đến việc cầm cọ vẽ. Cảm ơn em, nhưng bây giờ đã quá muộn rồi…
Hơn 450 năm đã qua. Cho tới bây giờ, hàng trăm bức chân dung, tranh màu nước, tranh than chì, tranh khắc gỗ và khắc đồng… của Albrecht Durer đã được treo ở những Viện bảo tàng lớn nhất thế giới. Nhưng có một điều kỳ lạ: có thể bạn, cũng như nhiều người, đều chỉ quen thuộc với một tác phẩm của Albrecht Durer. Đó là một ngày, để tỏ lòng kính trọng và biết ơn anh trai Albert, Albrecht Durer đã thực hiện một tác phẩm cẩn thận nhất trong đời: vẽ lại đôi bàn tay của anh trai mình, với lòng bàn tay hướng vào nhau và những ngón tay gầy guộc hướng lên trời. Ông chỉ gọi bức tranh của mình đơn giản là “Đôi tay”, nhưng cả thế giới đều đặt tên cho kiệt tác đó là “Đôi tay cầu nguyện”.
Nếu có lúc nào bạn nhìn vào bức tranh cảm động đó, hãy nhìn lại lần thứ hai. Nó sẽ nói với bạn rằng, không có ai, chắc chắn không có ai, có thể thành công một mình bao giờ!
Thục Hân (Dịch)
Kỳ 1
Thành công
Khi lớn lên, tôi cũng mong mỏi được thành công, như một giám đốc sang trọng, một doanh nhân giàu có, một chính khách mà ai cũng nể phục… Theo tôi, đó là “thành công”.
Nhưng tôi cũng cho rằng có những cách thành công khác nữa. Mẹ tôi dậy từ 5h sáng và đi ngủ khi đã quá 12h đêm. Mẹ làm việc nhà, giặt giũ, nấu nướng, quét dọn. Khi công việc đã vơi bớt, đáng lẽ nên ngả lưng nghỉ thì mẹ chạy sang hàng xóm, đem biếu một nửa giỏ hoa quả mà nhà tôi cũng mới được tặng. Cô hàng xóm mới ốm dậy, chồng lại mất việc làm. Mẹ thậm chí còn dọn nhà thay cho cô ấy và mang quần áo của cô ấy về nhà giặt. Vậy mà trong suốt cả ngày, mẹ vẫn tươi cười, thậm chí có lúc còn hát lên khe khẽ. Mẹ tự hào và hạnh phúc khi làm một-người-mẹ-ở-nhà, nhưng vẫn luôn giúp ích cho cuộc sống của những người xung quanh. Đối với tôi, đó là thành công.
Bố tôi là một người yêu vợ chưa từng thấy. Bố ngắm nhìn mẹ cả khi mẹ không nhìn, và mỉm cười. Thỉnh thoảng, trước khi đi làm, bố đính lên tủ lạnh những miếng giấy ghi những lời nhắn cho mẹ “Đừng bỏ bữa trưa!”, hay “Nhớ đeo găng tay khi rửa bát”… Bố nói rằng chưa từng có một ngày nào trôi qua mà bố không học được một cái gì đó từ mẹ. Đối với tôi, đó là thành công.
Ông bà tuổi đã cao, nhưng không sáng nào không đi dạo cùng nhau vào lúc sương còn chưa tan hết. Ông thường cầm theo một chiếc ô, để những hôm nào trời nặng sương, ông sẽ giương ô lên che cho bà. Ông nói sương thấm có thể khiến bà bị nhức đầu. Những cuộc đi dạo của ông bà, đối với tôi, cũng là thành công.
Tôi nhìn đứa bạn thân của tôi – nó bị bệnh tim từ nhỏ, cứ phải đi khám thường xuyên, tránh những phấn khích quá mạnh, kiêng ăn một vài món, và phải kiên trì tập những bài thể dục nhẹ nhàng. Nhưng lần nào gặp, tôi cũng nghe nó ríu rít kể về “những niềm vui trong ngày”. Nào là thấy que kem cốm trong tủ lạnh vào lúc đi học về đang nóng bức. Nào là được “anh hàng xóm” khen cắt tóc kiểu mới quá xinh. Nào là mới phát hiện ra rằng có thể vươn vai hít thở đến cái thứ 50 mà không bị chóng mặt nữa. Rất nhiều ngày, khi gặp nó, câu đầu tiên tôi nghe nó kêu lên là: “Mày ơi, hôm nay tao vui quá…”. Tôi thì thấy rằng sống tích cực được như bạn tôi, đó là thành công.
Cũng có nhiều cách định nghĩa thành công khác. Thành công là được làm những gì bạn yêu thích nhất, đam mê nhất. Thành công là sự trưởng thành của tâm hồn. Thành công là khi biết rằng bạn không đơn độc trên thế giới này. Thành công là được yêu thương bởi gia đình và bạn bè. Mẹ tôi thì bảo: “Thành công không phải là những gì mình làm ra, mà là những gì mình để lại”.
Tôi biết rằng tôi vẫn chưa học được hết thành công là gì. Khi tôi lớn lên, định nghĩa về thành công cũng lớn lên, cũng mở rộng ra. Tôi thấy mỗi người có những cách thành công khác nhau, theo những kiểu khác nhau, thậm chí, theo những cách định nghĩa của riêng họ.
Cuộc sống chính là bài học lớn về thành công, còn tôi chỉ là một học trò nhỏ mà thôi.
Bill Greer – Thục Hân (dịch)